“Giữ giá trứng bình ổn, không nhận lãi một đồng thì dù kéo dài 1-2 tháng, công ty vẫn chịu được. Nhưng nếu lấy ra cùng lúc 5-10 tỷ để ủng hộ mua máy thở, vắc-xin như các doanh nghiệp khác thì tôi chưa làm được”, anh hùng lao động, “nữ hoàng trứng” Ba Huân nói.
Giữ giá trứng bình ổn không phải là đang làm từ thiện. Nhưng Ba Huân nói, đấy là cách chia sẻ cùng người lao động khó khăn.
BỘ TRƯỞNG, THỨ TRƯỞNG VÀ NHIỀU LÃNH ĐẠO THÀNH PHỐ ĐỀU GỌI
Thưa bà Ba Huân, nghe nói nếu chỉ tăng thêm 200đ/ quả trứng thì công ty của bà đã lãi thêm 200 triệu đồng/ ngày. 200đ rất nhỏ, là một mệnh giá tiền gần như không có trên thị trường, nhưng 200 triệu đồng lại không nhỏ chút nào. Lẽ vì sao bà lại không tăng giá. Vì kinh doanh, ai chẳng phải tính đến chuyện lợi nhuận?
Hơn nửa thế kỷ gắn bó với nghề, tôi thấy chỉ dân nghèo mới xài trứng nhiều thôi. Rất nhiều gia đình với 3-5 trái trứng, cùng bó rau muống đã đủ qua bữa rồi. Nếu bảo tôi tăng giá, dù chỉ 100đ mà người dân nghèo phải khổ, tôi không thể nào làm được.
Vấn đề không nằm ở chỗ 200đ thôi đâu. Chủ yếu khi tôi tăng, các công ty khác cũng tăng theo. Một công ty như Ba Huân, cung cấp cả hơn triệu quả trứng/ ngày mà còn không giữ được giá, thì tới lúc đó thiệt nhất vẫn là người lao động khó khăn.
Với lại lúc này, nhiều doanh nghiệp đang dành tặng cả 5-10 tỷ đồng, giúp Việt Nam mua máy thở, mua vắc-xin. Còn tôi không có gì nhiều, chỉ có tấm lòng muốn bình ổn giá trứng. Tuy không phải là đang làm từ thiện, nhưng cũng góp phần nào cùng cả nước vượt qua đợt chống dịch Covid-19 này.
Nhưng tôi lại nghe nói, quyết định giữ giá này của bà có một phần tác động từ cuộc gọi của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan?
Cuộc gọi đó chủ yếu để động viên. Khi TP.HCM xảy ra cơn khát trứng, Bộ trưởng Lê Minh Hoan gọi điện cho tôi, nói: “Chị ơi, tình hình giá cả lên thế này thì chị phải ráng phải giữ cho bình ổn. Dân nghèo bớt được đồng nào, hay đồng ấy”. Bộ trưởng nói thế, tôi cũng xúc động lắm.
Ngay sau cuộc gọi của Bộ trưởng, Thứ trưởng Trần Văn Nam cũng gọi điện cho tôi nói phải ráng giữ giá. Tiếp sau nữa là rất nhiều ban, ngành ở TP.HCM cùng gọi điện. Ai cũng kêu tôi giữ sức khỏe, để cùng thành phố vượt qua lần bùng dịch này.
Riêng Bộ trưởng Lê Minh Hoan, sau khi giá trứng bình ổn rồi, ông nhắn tin cho tôi để chúc mừng. Mặc dù làm Bộ trưởng, ông Hoan vẫn quan tâm sát sao từng doanh nghiệp. Có được sự động viên như thế thì đương nhiên, cô Ba phải dốc hết sức mà làm. Lúc này mình còn không cùng gồng gánh khó khăn với thành phố thì đợi đến lúc nào nữa!
MỨC LÃI 129Đ/ QUẢ TRỨNG VÀ TÂM NGUYỆN CỦA “NỮ HOÀNG HỘT VỊT”
Dù đã bình ổn nhưng theo bà, vì sao giá trứng vẫn còn khá cao so với thời điểm trước khi bùng dịch? Nếu trước đây, người tiêu dùng có thể mua 18.000đ/ chục trứng thì hiện nay, giá đã tăng lên gần gấp đôi.
Từ vài tháng nay, giá trứng của chúng tôi bình ổn ở mức 28.000đ/ chục loại size L (trứng loại 1, loại phổ biến). Khi có chỉ thị 15, hay 16 vẫn bán giá như thế. Đấy là giá bán đến tay người tiêu dùng. Còn siêu thị nhập vào là 25.800đ/ chục. Trước đó, loại này bán tới tay người tiêu dùng cũng chỉ 18.000đ/ chục, và vẫn phải thường xuyên khuyến mại mua 1 tặng 1 vì ế quá.
Nhưng sau đó, giá đã tăng. Vậy tại sao lại nói chúng tôi đang giữ giá? Bởi cách đây khoảng 20 ngày, Sài Gòn rộ lên cơn khát trứng, chủ yếu do tâm lý mua dự trữ. Nhưng cái đó chỉ là sốt cục bộ. Tôi tham gia bình ổn giá trứng cũng đã 20 năm nên biết rõ, thị trường sốt đến đâu thì sốt, chỉ cần Ba Huân không tăng giá, mọi thứ sẽ trở lại bình thường chỉ trong vòng vài ngày.
Nói thật với bạn, thức ăn chăn nuôi đang tăng lên vùn vụt, xăng tăng, chi phí 3 tại chỗ (chỗ ăn, ngủ và tổ chức ca làm việc cho người lao động) tăng… Vậy thì, dù giá trứng đã cao hơn tới hơn 60% so với lúc ế ẩm, nhưng doanh nghiệp thực sự không có lãi.
Dẫu vậy, chúng tôi vẫn lạc quan nói với nhau rằng, bán giá này nông dân chỉ không trúng mánh chứ không thiệt. Còn công ty vẫn có tiền để trả lương cho anh em là mừng rồi.
Nếu đã là không lỗ, cũng không lãi thì chuyện bỏ ra một khoản để ủng hộ mua vắc-xin, hoặc máy thở với bà có khó khăn đến thế không?
Tôi xin nói thật là nếu thức ăn chăn nuôi đừng lên giá thì với mức 25.800đ/ chục trứng gà bán cho siêu thị, doanh nghiệp cũng lãi được 5%. Tức là 1.290đ/ chục quả, hay 129đ/ quả. Lãi như vậy thấp chứ! Nhưng trong ngành thực phẩm tươi sống này, Ba Huân bán được nhiều và quay vòng nhanh nên vẫn ổn.
Bởi vậy, tôi cũng muốn có 5-10 tỷ đồng ủng hộ như nhiều doanh nghiệp khác lắm chứ. Làm được như vậy rất là tốt. Nhưng hiện tại, doanh nghiệp tôi chưa đủ lực. Nếu ủng hộ cả nước chống dịch bằng cách giữ giá trứng, hy sinh lợi nhuận từng ngày một thì dù kéo dài 1-2 tháng, công ty còn chịu đựng được. Chứ nếu lấy ra hẳn 5-10 tỷ đồng cùng lúc thì chưa thể.
NGƯỜI BÌNH ỔN GIÁ TRỨNG SUỐT 20 NĂM
Bà vừa nói mình đã có kinh nghiệm 20 năm bình ổn giá trứng?
Đúng vậy! Cách đây khoảng 7 năm, thị trường trứng sốt dữ dội, giá tăng tới 47%. Nhưng Ba Huân không tăng, thì chỉ 5 ngày sau, thị trường đã bình ổn lại liền.
Có một lần khác, báo chí nói thị trường bình ổn rồi, nhưng sự thật là tất cả mọi thứ đều ổn, chỉ có giá trứng là không ổn thôi. Rõ ràng tôi được phép tăng giá đó, nhưng một lần nữa, tôi kiên quyết giữ chứ không tăng. Cũng chỉ có 5 ngày thôi, giá trứng lại trở về bình thường.
Vượt qua nhiều lần thị trường khủng hoảng như vậy, có lúc nào công ty bà gặp khó khăn không?
Khó khăn nhất là năm bị dịch cúm gia cầm H5N1. Hồi ấy gia cầm chết, trứng phải thiêu hủy, công ty tổn thất dữ dội luôn. Nhưng khi hết dịch, tôi vẫn vực dậy được. Về sau, tôi có rất nhiều kinh nghiệm ứng phó.
Ví dụ, trong lúc tình hình như thế này thì phải ngưng hết việc cung cấp cho hệ thống xuất khẩu, tập trung trong nước. Sau đợt dịch H5N1, chúng tôi đầu tư công nghệ hiện đại. Từ đó, 2 nhà máy xử lý trứng có khá ít công nhân. Trong đợt dịch này, việc lo chỗ ăn, ngủ cho họ cũng thuận lợi.
Khi muốn tham gia bình ổn giá, tôi thường họp toàn thể cán bộ nhân viên lại để có sự đồng tình trên dưới. Tất cả đều hiểu rằng, bình ổn giá là điều tốt cho doanh nghiệp, và giúp ích nhiều cho xã hội. Trong công ty tôi có một dàn các em ruột, một dàn đội ngũ, cộng sự, chuyên gia kế thừa. Cũng mừng là chúng tôi có quyền tự quyết, nên việc thuyết phục này rất dễ.
Một câu hỏi cuối cùng, là người đi lên nhờ trái trứng, bà sống gắn bó với nó như thế nào. Nghe nói bà Ba Huân là người không thể thiếu trứng trong bữa ăn hằng ngày?
Cô Ba Huân sống giản dị lắm. Sáng sớm, khi tôi thức dậy thì phải có ly café đá. Tiếp đến là những việc họp hành với mọi người, rồi nếu không có dịch bệnh thì đi các trang trại, vùng nông thôn. Tôi là nông dân mà, nên không ăn sang mặc đẹp được. Cái đó là tính cách từ năm 13 tuổi theo mẹ giữ em, tới 16 tuổi ra làm nghề trứng tới giờ. Tôi vẫn thích áo bà ba của người miền Tây, vẫn thích ăn 2 trái trứng gà/ ngày.
Mà ăn trứng tốt lắm đó. Cứ nhìn GS Võ Tòng Xuân thì biết. Mỗi ngày ông ấy không thể thiếu 2 cái trứng gà. Bác Xuân về nông nghiệp là đàn anh của tôi. Mà năm nay ông ngoài 80 tuổi rồi vẫn rất mạnh khỏe.
Xin cảm ơn bà vì cuộc trò chuyện này!
Nguồn: CafeBiz