0888 003 443

Đái tháo đường thai kỳ: Cần được quan tâm đúng mức

Đái tháo đường thai kỳ (ĐTĐTK) là một vấn đề phổ biến, khá thường gặp với các thai phụ trên toàn thế giới. Tại Việt Nam, ước tính có khoảng 20% thai phụ đối mặt với ĐTĐTK, và con số này đang có chiều hướng gia tăng. ĐTĐTK nếu không được quan tâm đầy đủ dễ dẫn đến những nguy cơ cho cả mẹ lẫn thai nhi.

Đó là những nhận định của các bác sĩ tại hội thảo “Phổ biến hướng dẫn quốc gia về dự phòng và kiểm soát đái tháo đường thai kỳ”, nhằm nâng cao kiến thức cho cán bộ y tế về dự phòng về kiểm soát đái tháo đường thai kỳ và thống nhất sử dụng hướng dẫn trong toàn quốc.

Đây là hoạt động trong chương trình “Phòng ngừa và Quản lý Đái tháo đường thai kỳ, góp phần phòng chống các bệnh không lây nhiễm tại Việt Nam” do Bộ Y tế Việt Nam hợp tác với Công ty Abbott Việt Nam (Abbott) thực hiện.

Đái tháo đường thai kỳ ngày càng tăng tại Việt Nam

Tại hội thảo, PGS.TS Huỳnh Nguyễn Khánh Trang cho biết, đái tháo đường thai kỳ là tình trạng rối loạn dung nạp glucose phát hiện trong thai kỳ và  đang có khuynh hướng tăng nhanh trong thời gian gần đây.

Nếu như những năm 2000-2006 tỷ lệ mắc đái tháo đường thai kỳ chỉ khoảng 3,6 – 5,7%, thì nay đã lên đến 20%. Riêng tại Bệnh viện Hùng Vương, năm 2017 đã tầm soát cho 15.974 thai phụ và phát hiện gần 2.877 trường hợp mắc đái tháo đường thai kỳ, chiếm hơn 18%.

Hội thảo “Phổ biến hướng dẫn quốc gia về dự phòng và kiểm soát đái tháo đường thai kỳ”được tổ chức tại Hà Nội, Đà Nẵng, Tp. Hồ Chí Minh
Hội thảo “Phổ biến hướng dẫn quốc gia về dự phòng và kiểm soát đái tháo đường thai kỳ” được tổ chức tại Hà Nội, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh.

Trong những năm qua, tình trạng đái tháo đường thai kỳ đang có chiều hướng gia tăng trên toàn cầu và tại Việt Nam. Thống kê tại một số nước trong khu vực, tỷ lệ ĐTĐTK tại Singapore hiện nay là 18.9%, Malaysia 11,4%, Australia 13%, Thái Lan 9,3%….

Tại Việt Nam, theo khảo sát của một số bệnh viện chuyên khoa sản của Việt Nam cho thấy, tỉ lệ phụ nữ mang thai mắc đái tháo đường thai kỳ có xu hướng tăng dần trong những năm qua, khoảng 3- 4% giai đoạn 2001-2004 và tăng đến gần 20% trong năm 2017.

ĐTĐTK có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng và ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của bà mẹ và thai nhi.  Thai phụ mắc ĐTĐTK có thể làm gia tăng tỷ lệ sẩy thai, thai lưu, sinh non, tăng huyết áp trong thai kỳ, đa ối, nhiễm trùng tiết niệu, viêm đài bể thận.

Về lâu dài, các thai phụ mắc ĐTĐTK có nguy cơ tiến triển thành đái tháo đường tuýp 2 và các biến chứng liên quan, đặc biệt là biến chứng tim mạch nhỏ ảnh hưởng đến tim, thân, mắt.

Ngoài ra, phần lớn các nghiên cứu chỉ ra rằng nguy cơ bị bất thường bẩm sinh tăng gấp 3 lần ở những thai nhi có mẹ mắc bệnh ĐTĐTK trước đó mà không được kiểm soát tốt.

“Nếu không kiểm soát tốt, đái tháo đường thai kỳ có thể làm tăng tỷ lệ bị bệnh và tử vong ở cả thai phụ lẫn thai nhi”, PGS.TS Huỳnh Nguyễn Khánh Trang khẳng định.

Cần thiết phải dự phòng và kiểm soát đái tháo đường thai kỳ

Trước tình hình tỷ lệ đái tháo đường thai kỳ ngày càng gia tăng ở phụ nữ Việt Nam, đồng thời ngăn chặn những nguy cơ, rủi ro của căn bệnh này với cộng đồng, chương trình “Phòng ngừa và Quản lý Đái tháo đường thai kỳ, góp phần phòng chống các bệnh không lây nhiễm tại Việt Nam” do Bộ Y tế hợp tác với công ty Abbott Việt Nam thực hiện, sẽ tập trung vào các hoạt động quan trọng như: Giáo dục bệnh nhân và cộng đồng về cách thay đổi lối sống cũng như chế độ ăn uống cho những người mắc đái tháo đường thai kỳ; Phát triển các hướng dẫn quốc gia về phòng ngừa và kiểm soát đái tháo đường thai kỳ; Nâng cao kiến thức và hiệu quả của đội ngũ nhân viên y tế thông qua đào tạo; Phát triển chương trình sàng lọc và chẩn đoán được chuẩn hóa…

PGs.Ts Huỳnh Nguyễn Khánh Trang trình bày tại Hội thảo
PGS.TS Huỳnh Nguyễn Khánh Trang trình bày tại hội thảo.

Ông Nguyễn Đức Vinh – Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ và Trẻ em, Bộ Y tế – cho biết: Với sự hỗ trợ về tài chính cũng như chuyên môn trong lĩnh vực dinh dưỡng của công ty Abbott và sự tham gia của các giáo sư, bác sĩ đầu ngành đang công tác trong lĩnh vực thai phụ khoa, nội tiết và dinh dưỡng, Vụ Sức khỏe Bà mẹ Trẻ em- Bộ Y tế đã biên soạn “Hướng dẫn quốc gia về dự phòng và kiểm soát đái tháo đường thai kỳ”, để xây dựng hướng dẫn và chương trình đào tạo cho cán bộ y tế trên toàn quốc.

Điều này sẽ góp phần cải thiện toàn bộ hệ thống chăm sóc sức khỏe, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em ở Việt Nam, đồng thời đẩy mạnh chiến lược quốc gia về phòng chống các bệnh không lây nhiễm”.

Dự án “Phòng ngừa và Quản lý Đái tháo đường thai kỳ, góp phần phòng chống các bệnh không lây nhiễm tại Việt Nam” là dự án tiếp nối, sau một loạt các dự án cải thiện tình trạng dinh dưỡng cho phụ nữ mang thai và bà mẹ cho con bú; cải thiện chất lượng dinh dưỡng lâm sàng trong các bệnh viện tại Việt Nam; cải thiện năng lực kiểm nghiệm an toàn thực phẩm… rất thành công của Bộ Y tế và Abbott hợp tác trong thời gian qua, nhằm nâng cao chất lượng công tác khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em ở Việt Nam.

VĨNH KHOA