0888 003 443

“Không có con đường cùng, chỉ có những ranh giới, điều cốt yếu là phải có sức mạnh để bước qua ranh giới ấy…”

Trong những ngày cả nước đang căng mình chống đại dịch covid -19, ai nấy đều nhắc đến những bác sĩ nơi tuyến đầu như những người anh hùng quả cảm. Với lá chắn duy nhất là bộ đồ phòng hộ kín mít từ đầu tới chân, những người anh hùng lao vào cuộc chiến, giành giật từng hơi thở, từng sinh mệnh cho người bệnh.

Hằng ngày, trên mạng xã hội vẫn truyền tay nhau những bức ảnh chụp lại khuôn mặt lằn sâu vết khẩu trang, những “chiến sĩ áo trắng” ngất lả giữa lúc đang thực hiện nhiệm vụ vì quá mệt mỏi và căng thẳng…

Thế nhưng, đó mới chỉ là những hình ảnh phía ngoài, những nỗi gian khổ vẫn thuộc phần nhiều về thể xác. Còn những điều thực sự xảy ra trong cuộc chiến ấy, khốc liệt hơn rất nhiều!

Mới đây, Đài truyền hình Việt Nam đã phát sóng bộ phim tài liệu mang tên “Ranh giới” ghi lại một phần sự khốc liệt ấy tại Khu K1 – Bệnh viện Hùng Vương (TP.Hồ Chí Minh) – nơi có những bệnh nhân covid-19 đang cùng lúc mang trên mình 2 sinh mệnh. Một là của bản thân, hai là của đứa con đang vẫn còn nằm trong túi ối.

“Muốn gặp con thì hít thở như hồi nãy. Giỏi lắm”

Gần 60 phút, phóng sự không có bất cứ một lời bình nào mà những hình ảnh nối tiếp nhau chạy. Đó là hình ảnh chiếc điện thoại bàn không ngơi nghỉ, để phục vụ những cuộc gọi cấp bách liên tiếp của các y bác sĩ: Báo động đỏ, cần thêm gấp oxy, điều động người cho ca cấp cứu.

Chiếc điện thoại cũng như các y bác sĩ tại đây, đều phải làm việc quá tải và có rất ít thời gian được nghỉ ngơi

Đó là hình ảnh các y bác sĩ tìm tới từng người giường bệnh để động viên người bệnh: “Hít thở đi em ơi”, “mở mắt ra ráng thở đi chị Hoa”, “bình tĩnh đi chị, muốn gặp con thì hít thở đi chị”,... vì sợ họ mệt quá bỏ cuộc, rồi không bao giờ có cơ hội để thở thêm được nữa.

Những sản phụ mắc covid-19 khi vào điều trị tại đây đều không có người thân bên cạnh chăm sóc. Hiểu được những thiệt thòi của họ, các bác sĩ cố gắng tận tâm tận lực bù đắp. Bón từng miếng cháo, đỡ từng cốc nước, buộc lại mái tóc, động viên tinh thần giúp họ cố gắng chiến đấu với bệnh tật…

“Mỗi bệnh nhân qua khu K1 này là không có người nhà luôn, nên đó là cái thiệt thòi của những sản phụ vào lúc này. Cái khó xử ở đây là mình phải chạy đua với cả hai mạng sống cùng một lúc. Nên mình bù đắp được cho họ cái gì thì mình bù”, bác sĩ gây mê Lữ Thị Khánh Phương tâm sự.

“Muốn gặp con thì hít thở như hồi nãy. Giỏi lắm”, một bác sĩ động viên sản phụ trước ca mở nội khí quản.

Đó là hình ảnh nữ bác sĩ bối rối gọi điện thoại cho chồng của sản phụ đang nguy kịch để thông báo về việc phải đình chỉ thai kì của một bé 21 tuần tuổi, vì phổi của người mẹ đã quá sức, không thể cùng lúc thở cho cả 2 sinh mạng…

Em bé 21 tuần tuổi không bao giờ có cơ hội nhìn thấy ánh sáng mặt trời đó cũng không phải trường hợp đáng thương duy nhất ở đây. Nơi ấy trong những ngày qua, có biết bao đứa trẻ buộc phải chào đời sớm khi cơ thể còn non bấy chưa đủ cứng cáp. Có biết bao đứa trẻ đang ngóng chờ ngày chào đời trong vòng tay ôm ấp chở che của mẹ, thì vĩnh viễn chia lìa.

“Khi mình phải chấm dứt một chuyện nào đó nó như một cái gì đó rất hụt hẫng trong con người mình ý”, bác sĩ Nguyễn Thị Hảo day dứt sau cuộc điện thoại thông báo đình chỉ thai kì 21 tuần tuổi.

Đó là hình ảnh đôi tay mệt lả vì phải thay phiên nhau bóp bóng thở cho bệnh nhân khi không có đủ máy thở. Sau đó “tranh thủ” dựa lưng vào tường, gục đầu vào cửa, tựa người vào ghế, hoặc lăn ra nền đất để ngủ… rồi thảng thốt giật mình khi thấy tiếng kêu cứu “bác sĩ ơi”.

Cơ thể mất sức mệt mỏi căng thẳng đến thế, nhưng cũng chính những “thiên thần áo trắng” đó đi đến từng giường bệnh để động viên bệnh nhân: “Ngủ đi chị, thức suốt vậy mệt lắm đó”!

“Tôi biết rằng chúng ta đang rất thiếu người. Chúng ta làm việc rất quá tải, nhưng không có nghĩa chúng ta bỏ bê người bệnh. Vì người bệnh đang rất cần sự nâng đỡ, hỗ trợ về mặt tinh thần ở khu K1“, PGS.TS.BS Hoàng Thị Diễm Tuyết (Giám đốc bệnh viện Hùng Vương) trao đổi với các y bác sĩ trong cuộc họp về tình trạng thiếu ô xy và nhân sự bệnh viện.

Đó là hình ảnh một cuộc điện thoại của bác sĩ kết nối điện thoại giúp một nữ bệnh nhân với chồng trước khi cô chuẩn bị mở nội khí quản. Với chút hơi thở khó khăn, bệnh nhân nữ gắng hết sức để nói với chồng: “Anh ơi, em sợ quá. Em sợ lắm! Em run lắm anh ơi. Em muốn gặp con”.

“Không cứu được nó đau lắm. Tất cả bao nhiêu con người cũng không cứu được”

Đó là hình ảnh gương mặt bần thần, đôi mắt rướn lên cố ngăn giọt nước mắt rơi xuống của những người bác sĩ tuyến đầu, khi một bệnh nhân trút hơi thở cuối cùng sau ca nguy kịch. Dù đã cố gắng hết sức, bệnh nhân vẫn không qua khỏi. Họ dựa lưng vào bàn, vào cánh cửa, vào tường. Không ai nói với ai được câu nào.

“Không cứu được nó đau lắm. Khi thấy một bệnh nhân như vậy, nó đau từ trong tim. Tất cả bao nhiêu con người mà cũng không cứu được”, “Cũng chỉ biết kìm nén nước mắt thôi chứ biết làm thế nào được. Chán lắm”, “Ranh giới giữa cái sống và cái chết thật quá mong manh, khiến mọi người cần sống tử tế và mạnh mẽ hơn”, những bác sĩ có mặt trong ca cấp cứu xúc động tâm sự.

Đó là hình ảnh người bố vò đầu bứt tóc đau đớn khi hay tin cô con gái mà ông yêu thương đã vĩnh viễn từ xa cõi trần. Thế nhưng, ngay cả cơ hội nhìn mặt con một lần cuối cùng trước khi cách biệt âm dương, ông cũng không được. Chỉ có thể nhìn lại hai tấm ảnh các bác sĩ chụp cho lúc đang cấp cứu và lúc đã qua đời.

Khốc liệt như thế, bi thương như thế nhưng những “chiến sĩ áo trắng” ở Khu K1 – Bệnh viện Hùng Vương vẫn từng ngày từng giờ vắt kiệt sức mình để giành giật sự sống cho những bệnh nhân đang điều trị tại đây.

Được biết, tính từ 30/5/2021 đến 1/9/2021, Khu K1 Bệnh viện Hùng Vương đã tiếp nhận 861 sản phụ F0. Trong đó có 804 ca cả mẹ tròn con vuông, 5 ca tử vong tại khu K1, 57 ca nặng chuyển lên bệnh viện tầng 5 trong tháp điều trị covid-19.

Trong khoảng thời gian đó, có 216 y bác sĩ lây nhiễm covid-19 khi đang công tác, sau khi điều trị khỏi bệnh, đã tiếp tục trở lại bệnh viện để tiếp sức cho đồng nghiệp.

Nữ hộ sinh Phạm Thị Thuỳ Trang và con traibị lây covid-19 chỉ sau 18 ngày chị góp sức cho Khoa, thế nhưng khi được một người em đồng nghiệp hỏi, chị đáp: “Chị vừa mới ra trận chỉ có mấy tuần thôi mà không ngờ bị dính như vậy.

Là một sự đáng tiếc đối với chị. Tại cái thời gian chị muốn cống hiến nó dài hơn Hy vọng chị khoẻ để về con làm. Vì công việc ở bệnh viện còn rất là nhiều, nhiều dữ lắm”.

Như câu văn của nhà văn Nguyễn Khải được ekip sử dụng trong phóng sự: “Sự sống nảy sinh từ cái chết, hạnh phúc hiện sinh từ trong những hi sinh gian khổ.

Ở đời này không có con đường cùng, chỉ có những ranh giới, điều cốt yếu là phải có sức mạnh để bước qua những ranh giới ấy”, các bác sĩ Khoa K1 – Bệnh viện Hùng Vương bảo: “Đã có lúc tôi nghĩ đây là ranh giới của sự chịu đựng”.

Thế nhưng, họ đã vượt qua tất cả, để tiếp tục “chiến đấu” bằng một trái tim đầy ắp sức mạnh và yêu thương. Và sau tất cả, họ hạnh phúc nhìn những bệnh nhân dần khoẻ khắn ăn thìa cháo mình đang bón, thổ lộ: “Em muốn mau khỏi bệnh để về nhà với chồng con”. Và đón trên tay những em bé xinh xắn chào đời giữa RANH GIỚI của sự sống và cái chết.

Cuối cùng, xin được kết bằng dòng cảm xúc của đạo diễn Lại Bắc Hải Đăng sau khi xem phóng sự: “Có lẽ không phải gọi họ là người hùng hay bất cứ danh hiệu nào. Các anh chị, các bạn, khi đã chọn nghề đã có lời thề cả đời làm nhiệm vụ mà cả xã hội luôn tôn trọng. Chúc các anh chị, các bạn sẽ thật khoẻ mạnh, an toàn và giữ được tinh thần tích cực.

Mỗi người cố gắng làm tốt nhiệm vụ của mình, tuân thủ pháp luật, và làm một người tốt – là cũng đỡ thấy suy nghĩ khi chứng kiến những gì các anh chị, các bạn đang làm mỗi ngày“.

Nguồn: https://cafebiz.vn/ranh-gioi-cua-vtv-khong-loi-binh-gay-chan-dong-va-day-nuoc-mat-20210909101447703.chn